Tản mạn "Có ai qua vùng hỏa tuyến" - Tác giả Phạm Hoài Nhân

Gửi bởi: kynguyen65 | Lượt xem: 3880

Dạo 1966, 1967 - tức là những năm tôi khoảng 7, 8 tuổi - cứ mỗi sáng ba đi làm, má đi chợ, tôi ở nhà giữ nhà và giữ em. Những lúc ấy mở radio nghe cho đỡ chán. Có một bài hát mà đài phát thanh Sài Gòn phát liên tục, ngày này qua ngày nọ, đó là bài Thương về vùng hỏa tuyến (của nhạc sĩ Lê Minh Bằng).

Giai điệu bài hát hay là một lẽ, nghe nhiều trong thời thơ ấu khiến tôi nhập tâm, thuộc lòng, và rất thích bài hát này.

Của đáng tội, đây là một bài hát tuyên truyền của chế độ VNCH, lên án... quân xâm lăng Bắc Việt (mặc dù trong toàn bộ bài hát không có chữ nào nói đến Cộng sản hay Bắc Việt, chỉ nhắc đến mái tranh, lũy tre, luống khoai nương cà...). Xin mạn phép ghi lại toàn bộ lời bài hát ở đây:


Có ai qua vùng hỏa tuyến,
Nhắn cho tôi một vài lời.
Mái tranh thân yêu còn đâu
Lũy tre xanh tươi còn đâu
Đổi thay giờ đây lửa máu.

Xóm thôn hoang tàn đổ nát
Luống khoai nương cà nghẹn ngào
Tiếng chuông vang không còn nữa
Vắng trâu ăn trên đồng sâu
Trẻ thơ đi tìm mẹ hiền.

Trung Lương ơi!
Đây vùng phi chiến nay thành khu chiến từ khi giặc tràn về
Bao người dân trắng tay mà vui ước hẹn đi theo lời thề
Toàn dân thương Trung Lương,
Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.

Có ai qua vùng hoả tuyến,
Nhắn cho tôi một vài lời.
Oán xâm lăng gây lửa khói
Để cho bao nhiêu lệ rơi,
Để cho sầu héo lòng tôi.

Cầu Hiền Lương


Thành thật mà nói, sau ngày giải phóng tôi vẫn nghe lại bài hát này nhiều lần, dù đây là một bài hát cấm lưu hành. Giai điệu và ca từ bài hát rất đẹp, tình cảm dạt dào. Tuyên truyền mà không lên gân, không sắt máu, dễ đi vào lòng người...
Trong bài hát có 2 lần nhắc đến địa danh Trung Lương:
Trung Lương ơi!
Đây vùng phi chiến nay thành khu chiến từ khi giặc tràn về

Toàn dân thương Trung Lương,
Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.
Hồi đó còn nhỏ, tôi không biết Trung Lương là gì, ở đâu, chỉ mang máng nghe nói là một địa danh ở Mỹ Tho.
Sau này lớn lên tôi được biết và đi đến Ngã ba Trung Lương, là nơi 1 đường rẽ phải theo quốc lộ 1 về Cần Thơ, 1 đường đi thẳng vào thành phố Mỹ Tho, ở đó có món đặc sản nổi tiếng là mận Trung Lương. Rồi sau đó Trung Lương được nhắc đến với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương...
Biết và đến Trung Lương rồi, nhưng so với lời bài hát tôi thấy có điều ngờ ngợ: Trung Lương ở Tiền Giang, sát nách Sài Gòn, chưa từng là một vùng hỏa tuyến, một vùng chiến sự dữ dội như nêu trong bài hát. Lại nữa, sao lại cho Trung Lương ở Tiền Giang đi với Gio Linh, Bến Hải, Hiền Lương là những địa danh ở Quảng Trị?
Tôi nghĩ ắt là Trung Lương nêu trong bài hát không phải ở Tiền Giang, mà là đâu đó gần vĩ tuyến 17, vùng hỏa tuyến.
Ác thay, tìm trên bản đồ tỉnh Quảng Trị không có địa danh hay đơn vị hành chính nào tên là Trung Lương. Bản đồ bây giờ không có, bản đồ ngày xưa cũng không có. Vậy chẳng lẽ đích thị Trung Lương nêu trong bài hát là ở Mỹ Tho, Tiền Giang?
Cuối cùng tôi cũng tìm ra:
Tháng 5 năm 1958, dưới thời Mỹ ngụy các huyện được đổi thành quận và Quảng Trị lúc đó gồm 7 quận: Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Ba Lòng và Trung Lương, tháng 6 năm 1965 lập thêm quận mới là Mai Linh, đến tháng 12-1967 sáp nhập quận Trung Lương vào quân Cam Lộ, tháng 4-1968 lập thêm quận Đông Hà.

Vậy Trung Lương là một quận của tỉnh Quảng Trị, địa danh này chỉ tồn tại trong 9 năm, từ tháng 5/1958 đến tháng 12/1967. Thảo nào mà tìm không ra!

Về vị trí địa lý, quận Trung Lương nằm ở phía Bắc Gio Linh, tức là sát với vĩ tuyến 17. Điều này giải thích được ý nghĩa của câu hát: Toàn dân thương Trung Lương, Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.


Các bạn đọc đến đây sẽ nói: Ông này thật là lẩn thẩn, nãy giờ đọc tưởng đâu nói chuyện gì mới mẻ, nào dè nói về một bài hát bây giờ bị cấm hát, nói về một địa danh bây giờ không hề tồn tại.
Ừ, đúng là lẩn thẩn thật các bạn nhỉ? Nhưng biết sao bây giờ, khi người ta già rồi và ngồi hoài niệm về dĩ vãng thì cũng cần có chút lẩn thẩn như vậy để tự an ủi mình. Các bạn thông cảm cho vậy nhé!
 

Theo bài viết của tác giả Phạm Hoài Nhân

Các bài viết khác:
Đài Phương Trang viết ca khúc
Đài Phương Trang viết ca khúc "Hai mùa Noel" trong hoàn cảnh nào?

Những ngày này, khi giai điệu da diết quyện với ca từ "mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường" cùng cái lạnh len lỏi khắp nẻo đường thành phố, tác giả của bài hát Hai mùa noel bất…

Chuyện tình Lan và Điệp
Chuyện tình Lan và Điệp

Chuyện tình Lan và Điệp là một câu chuyện tình hư cấu nổi tiếng ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Câu chuyện tình này được nhiều người ví như một câu chuyện tình Romeo và Juliet hay "Lương Sơn Bá - Chúc…

Trường ca Sông Lô
Trường ca Sông Lô

Trường ca Sông Lô được nhạc sĩ Văn Cao viết sau chiến thắng sông Lô năm 1947.

Nghe bài hát
Hợp âm ca khúc
Thương vùng hỏa tuyến

1. Có [Am] ai qua [Em] vùng hoả [Am] tuyến Nhắn [F] cho tôi [Em] một vài [C] lời Mái [Am] tranh thân yêu còn [Em] đâu Luỹ [Am] tre xanh tươi còn [Dm] đâu Đổi thay giờ [G] đây…